Tạp chí Tài chính - Quản trị kinh doanh , Số 35, T09/2024
30/09/2024

1. Tác động của thông tin truyền miệng điện tử đến ý định mua hàng trực tuyến của thế hệ z tại Hà Nội

Nguyễn Thị Nga, Đỗ Hương Giang, Nguyễn Hồng Vân, Nguyễn Diệu Ninh

Nghiên cứu làm rõ tác động của các yếu tố thuộc đặc điểm của thông tin truyền miệng điện tử tới ý định mua hàng trực tuyến của thế hệ Z tại Hà Nội. Kết quả nghiên cứu định lượng thông qua phần mềm SmartPLS 4 với 299 mẫu quan sát cho thấy, chất lượng thông tin truyền miệng điện tử vừa tác động trực tiếp, vừa tác động gián tiếp lên ý định mua hàng trực tuyến của thế hệ Z với sự chấp nhận thông tin là nhân tố trung gian. Đáng chú ý, số lượng thông tin và nhu cầu về thông tin không có tác động trực tiếp, song lại có tác động gián tiếp đến ý định mua sắm trực tuyến thông qua sự chấp nhận thông tin. Nghiên cứu nhằm cung cấp những hiểu biết quý giá cho các doanh nghiệp, nhà tiếp thị về tầm quan trọng của thông tin truyền miệng điện tử đối với ý định mua hàng của người tiêu dùng thế hệ Z trên các kênh trực tuyến; từ đó giúp họ xây dựng các chiến lược truyền thông và quảng cáo hiệu quả.

2. Gia tăng nguồn lực vốn con người của tỉnh Hưng Yên 

Nguyễn Quang Hiệp

Bài viết này đánh giá thực trạng vốn con người của tỉnh Hưng Yên thông qua một số chỉ tiêu đo lường vốn con người như tỷ lệ người lớn biết chữ, chi ngân sách cho giáo dục và tỷ lệ lao động đã qua đào tạo. Kết quả cho thấy vốn con người của tỉnh Hưng Yên gia tăng liên tục kể từ khi tái lập tỉnh. Việc gia tăng vốn con người của tỉnh Hưng Yên trong những năm qua đã góp phần cải thiện hiệu quả sản xuất của nền kinh tế thông qua tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, thước đo chi cho giáo dục của tỉnh Hưng Yên mặc dù về quy mô có tăng cao, song tỷ lệ chi cho giáo dục/GRDP còn thấp so với mức trung bình của cả nước và ngày càng mất cân đối so với các lĩnh vực khác trong cơ cấu chi ngân sách của Tỉnh.

3. Phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa 

Đoàn Thị Huệ

Sau 38 năm đổi mới ở Việt Nam, thực tiễn và lý luận đã rõ ràng chứng minh rằng chủ trương và hướng đi của phát triển nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa là một đề xuất sáng tạo của Đảng ta, là việc ứng dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào bối cảnh cụ thể của Việt Nam. Trong bối cảnh của sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, ảnh hưởng của Cách mạng Công nghiệp 4.0, cũng như quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, kinh tế tư nhân trong Đảng Cộng sản Việt Nam đã rõ ràng khẳng định mình: Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa. Bài viết tập trung vào phân tích các đóng góp của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa và đề xuất một số giải pháp để phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới.

4. Mô hình kinh tế đêm tại các thành phố lớn trên thế giới và bài học cho Việt Nam 

Bùi Minh Đức, Nguyễn Quốc Tuấn Cường 

Mô hình kinh tế đêm đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị của nhiều thành phố lớn trên thế giới. Các mô hình này không chỉ đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế mà còn làm phong phú thêm đời sống văn hóa và xã hội. Bài viết này phân tích các mô hình kinh tế đêm tại một số thành phố lớn, bao gồm Seoul, Bangkok, Tokyo và rút ra bài học cho Việt Nam trong việc phát triển mô hình kinh tế đêm phù hợp. Mô hình kinh tế đêm có thể mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam nếu được triển khai một cách hợp lý và cân bằng. Các thành phố lớn trên thế giới đã cung cấp những bài học quý giá về việc phát triển và quản lý kinh tế đêm, từ việc xây dựng chiến lược toàn diện đến cải thiện cơ sở hạ tầng. Việt Nam cần xem xét các yếu tố này để xây dựng một mô hình kinh tế đêm phù hợp với điều kiện và nhu cầu của các đô thị trong nước. Việt Nam cần phát triển các mô hình như khu ẩm thực đêm và chợ đêm, đồng thời điều chỉnh các mô hình lớn hơn như các sự kiện văn hóa để phù hợp với điều kiện địa phương. Các chính sách nên bao gồm quy định rõ ràng về cấp phép, an ninh trật tự, và đầu tư vào cơ sở hạ tầng để đảm bảo sự phát triển bền vững của kinh tế đêm.

5. Thực trạng phát triển hợp tác xã tại Việt Nam 

Nguyễn Thị Thùy Linh

Mục đích của bài viết nhằm đi sâu phân tích thực trạng phát triển của hợp tác xã trong thời gian vừa qua. Thực trạng được thể hiện qua các vấn đề như số lượng hợp tác xã, cơ cấu ngành nghề, quy mô người lao động, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ đó bài viết đánh giá những thành tựu đạt được và các hạn chế còn tồn tại. Thành tựu đạt được tập trung ở hai vấn đề là đóng góp vào GDP và tạo nhiều việc làm cho xã hội và nâng cao đời sống người lao động. Bên cạnh đó, HTX còn nhiều hạn chế như hiệu suất sử dụng lao động thấp, chưa quan tâm đến vấn đề tiêu thụ sản phẩm, gặp nhiều khó khăn trong vay vốn. Từ các hạn chế đó, bài viết đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy HTX phát triển trong thời gian tới.

6. Đào tạo nhân lực logistics tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp 

Kim Thị Hạnh

Ngành logistics đóng vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Nhân lực là yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực logistics, tăng cường khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường. Với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trở thành ưu tiên hàng đầu của các trường đại học và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện tại nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường về số lượng và chất lượng Bài viết này tập trung nghiên cứu thực trạng đào tạo nhân lực logistics tại Việt Nam, đồng thời đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường.

7. Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử tại các làng nghề trên địa bàn huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên 

Phạm Việt Phương, Trịnh Thu Trang, Vũ Thị Liên

Trong thời đại số hiện nay, thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành một công cụ quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp (DN) nói chung, trong đó có các hộ sản xuất kinh doanh (SXKD) và DN làng nghề. Việc sử dụng Internet và công nghệ kỹ thuật số đã mở ra một thế giới mới đầy tiềm năng và cơ hội cho các DN làng nghề. Huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên có 18 làng có nghề và 5 làng nghề được Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hưng Yên công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề, góp phần không nhỏ vào kinh tế địa phương. Tuy nhiên, tình hình thực tế áp dụng TMĐT tại các làng nghề huyện Văn Lâm còn chậm, các hộ SXKD và DN còn gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư cho công nghệ, nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT), hạn chế về nhận thức lợi ích của TMĐT, … Qua bài viết, trên cơ sở hệ thống những vấn đề cơ bản về TMĐT làng nghề; chỉ rõ thực trạng ứng dụng TMĐT tại các làng nghề trên địa bàn huyện Văn Lâm; nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng TMĐT trong các làng nghề trên địa bàn huyện trong thời gian tới.

8. Hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

Đào Văn Tú

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của tỉnh Hưng Yên luôn chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 95%), có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế của Tỉnh, giải quyết lượng lớn việc làm nhưng lại là đối tượng dễ bị tổn thương và có hiệu quả kinh doanh thấp cần có giải pháp từ bản thân các doanh nghiệp và sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp này. Bài viết nghiên cứu, khảo sát thực trạng hiệu quả kinh doanh của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Từ đó đưa ra một số giải pháp, khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp này trong thời gian tới.

9. Tăng cường kiểm soát nội bộ thông tin và truyền thông tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam – Chi nhánh Bắc Hưng Yên 

Trần Thị Lụa, Lê Thị Ngọc Ánh 

Kiểm soát nội bộ (KSNB) có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống Ngân hàng nói chung và hệ thống Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam–Chi nhánh Bắc Hưng Yên nói riêng. Ngân hàng sẽ hạn chế được những rủi ro khi xảy ra và nâng cao hiệu quả kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh, giúp đật được các mục tiêu đề ra thì vấn đề xây dựng được cơ chế KSNB khoa học và hữu hiệu là thực sự rất cần thiết. Bài viết dưới đây tập trung khái quát nội dung cơ bản về tình hình kiểm soát nội bộ thông tin và truyền thông tại VietinBank Bắc Hưng Yên qua đó đánh giá và đề xuất giải pháp nhằm tăng cường kiểm soát nội bộ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. 

Tập tin đính kèm
Tin liên quan