Tạp chí Tài chính - Quản trị kinh doanh , Số 34, T06/2024
30/06/2024

1. Ảnh hưởng của động cơ bên trong và động cơ bên ngoài tới lợi ích tài chính và lợi ích thị trường tại các doanh nghiệp Việt Nam

Nguyễn Thị Liên Hương, Hà Nguyễn Ngọc Linh

Nghiên cứu này tập trung đánh giá mức độ ảnh hưởng của 2 nhân tố là động cơ bên trong và động cơ bên ngoài tới lợi ích tài chính và lợi ích thị trường khi các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý môi trường ISO 14001. Nhóm tác giả tiến hành khảo sát tại các doanh nghiệp có áp dụng hệ thống quản lý môi trươngv ISO 14001 sau khi loại bỏ các phiếu không hợp lệ thi được 258 phiếu hợp lệ. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng động cơ bên trong và bên ngoài đều tác động tích cực tới lợi ích thị trường. Trong khi chỉ có động cơ bên trong tác động tới lợi ích tài chính, động cơ bên ngoài không tác động tới lợi ích tài chính. Xuất phát từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất khuyến nghị nhằm cải thiện và gia tăng lợi ích khi áp dụng hệ thống quản lý môi trường.

2  Quản lý hoạt động cho vay ký quỹ tại Việt Nam và một số khuyến nghị

Phạm Tiến Đạt, Đặng Đình Sơn (đồng tác giả)

Cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK), hoạt động cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán (CTCK) đã gia tăng mạnh mẽ trên thị trường trong thời gian qua. Điều này mang lại những tác động tích cực khi làm tăng thêm công cụ cho giao dịch trên thị trường, tạo thêm đòn bẩy tài chính cho các nhà đầu tư cũng như khả năng sinh lợi cho các CTCK. Việc quản lý cho vay ký quỹ của các CTCK theo đó cũng đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung xử lý, công tác quản lý còn một số bất cập liên quan đến việc ban hành các văn bản pháp luật, tổ chức hoạt động giám sát và xử lý hành vi vi phạm. Trên cơ sở nhận diện các vấn đề còn gặp phải của công tác quản lý, bài viết đề xuất một số giải pháp khắc phục các hạn chế nên trên.

3.  Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực logistics trong các trường đại học ở Việt Nam

Phạm Quang Hải, Trịnh Thị Hồng Thái  (đồng tác giả)

Nguồn nhân lực logistics có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định tới sự phát triển, năng lực cạnh tranh của ngành logistics nói riêng và nền kinh tế nói chung. Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành logistics, các trường đại học ở Việt Nam cũng đã chú trọng tới nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của ngành. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn những điểm nghẽn cần phải khắc phục. Bài viết này tập trung làm rõ thực trạng đào tạo nguồn nhân lực logistics trong các trường đại học ở Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực logistics tại các trường đại học.

4.  Sự hài lòng về chất lượng đào tạo của sinh viên Khoa Kinh  tế  -  Quản  trị  kinh  doanh,  Trường  Đại  học  An Giang

Lê Thị Thiên Hương, Nguyễn Hải Yến (đồng tác giả)

Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu nhằm đánh giá sự hài lòng về chất lượng đào tạo của sinh viên Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học An Giang. Nghiên cứu được thực hiện thông qua nghiên cứu định tính được thực hiện bằng cách thảo luận nhóm 05 sinh viên và nghiên cứu định lượng khảo sát 250 sinh viên Khoa Kinh tế - QTKD có 05 nhân tố có tác động và tác động cùng chiều đến sự hài lòng của sinh viên về chất lượng đào tạo được sắp xếp theo thứ tự tác động giảm dần là: Chương trình đào tạo, Đội ngũ giảng viên, Khả năng phục vụ, Sự cảm thông, Trang bị tiện ích.

5.  Vai trò của quản trị rủi ro tài chính doanh nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 

Trần Thị Lương, Luyện Thùy Dung,  Nguyễn Quang Khá (đồng tác giả)

Trọng tâm của công tác quản lý doanh nghiệp là nhằm đem lại lợi nhuận cũng như mức sinh lời cao nhất với các rủi ro có thể gặp phải là nhỏ nhất. Trong điều kiện nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng đang phải từng bước thay đổi để hội nhập kinh tế toàn cầu cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc nhận diện và đánh giá chính xác các loại rủi ro ảnh hưởng tới doanh nghiệp là điều cần thiết để thông qua đó thiết lập công tác quản lý các loại rủi ro theo hướng có lợi nhất cho doanh nghiệp. Bài viết tập hợp và đánh giá khái quát tác động của rủi ro tài chính tới doanh nghiệp cũng như phân tích những vai trò cơ bản quản trị rủi ro tài chính trong doanh nghiệp. Từ đógiúp cho các nhà đầu tư, các chủ doanh nghiệp và đặc biệt là nhà quản trị doanh nghiệp thay đổi được nhận thức của mình trong công tác quản trị doanh nghiệp hướng tới đạt mục tiêu tối đa hóa giá trị doanh nghiệp.

6.  Nâng cao chất lượng dịch vụ thẩm định giá - Tiếp cận từ góc độ chủ thể quản lý

Trần Đình Thắng, Nguyễn Minh Nhật (đồng tác giả)

Trong thị trường dịch vụ thẩm định giá, nhà nước tham gia vừa với vai trò là người sử dụng dịch vụ, đồng thời lại vừa với vai trò là chủ thể quản lý các tổ chức kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Với vai trò nào thì chất lượng dịch vụ thẩm định giá cũng là mối quan tâm của Nhà nước nhưng sự quan tâm nhiều hơn sẽ đặt trên vai trò là chủ thể quản lý. Bài viết được thực hiện trên cơ sở tham khảo các công trình nghiên cứu có cùng quan điểm định hướng để xây dựng giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ thẩm định giá. Từ việc phân tích thực trạng dựa vào nghiên cứu hệ thống văn bản pháp luật và dữ liệu thứ cấp của hoạt động quản lý nhà nước về thẩm định giá để chỉ ra một số vấn đề cấp bách đối với hoạt động quản lý nhà nước và trên cơ sở đó để đưa ra một số đề xuất và kiến nghị với cơ quan quản lý trực tiếp hoạt động thẩm định giá ở Việt Nam - Bộ Tài chính - nhằm mục đích nâng cao chất lượng dịch vụ thẩm định giá.

7.  Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ngành du lịch của một số quốc gia châu Á và bài học cho Việt Nam

Bùi Thị Yên

Bài viết này tập trung vào việc đánh giá chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) ngành du lịch của một số quốc gia Châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore trong công cuộc phát triển du lịch đất nước. Các quốc gia này đã rất thành công thúc đẩy phát triển du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng, kĩ thuật để các DN hoạt động kinh doanh có hiệu quả, tăng trưởng và phát triển. Từ những kết quả này Việt Nam có thể rút ra bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng các chính sách hỗ trợ DN ngành du lịch, gia tăng sự đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quốc gia.

8.  Nâng cao năng lực viên chức làm công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng tại các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam

Nguyễn Thị Bích Hường, Nguyễn Việt Hưng (đồng tác giả)

 Công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng đóng vai trò hết sức quan trọng trong giáo dục, đào tạo nói chung và quá trình dạy và học nói riêng. Công tác khảo thí luôn gắn liền với công tác đảm bảo chất lượng trong cơ sở giáo dục đại học. Công tác đảm bảo chất lượng giám sát toàn bộ hệ thống giáo dục của Nhà trường. Để làm tốt công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng thì năng lực đội ngũ viên chức quản lý và viên chức làm công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng trong các cơ sở giáo dục đại học có vai trò rất quan trọng, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Vì vậy, để nâng cao năng lực viên chức làm công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng rất cần tìm ra các giải pháp nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, phẩm chất… từ đó phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ viên chức làm công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng trong việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học. Bài viết này tập trung làm rõ nội dung đề cập trên.

9. Chính sách tài chính để phát triển kinh tế biển ở một số nước và  bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Vũ Ngọc Loan, Nguyễn Thị Ngọc Hà (đồng tác giả)

Để phát triển kinh tế biển thì việc huy động các nguồn lực, trong đó có nguồn lực tài chính là điều rất quan trọng. Trong nghiên cứu này, tác giả đã hệ thống hóa thực trạng về chính sách tài chính để phát triển kinh tế biển của một số quốc gia trên thế giới qua các nhóm vấn đề như: (1) ưu tiên bố trí nguồn lực để tăng chi NSNN nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển; (2) ban hành các chính sách ưu đãi về thuế, phí phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên; (3) áp dụng các chính sách ưu đãi liên quan đến tài chính đất đai; (4) triển khai các chính sách ưu đãi tín dụng cho phát triển kinh tế biển; (5) triển khai các chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp mua bảo hiểm đối với một số hoạt động liên quan đến phát triển kinh tế biển và (6) một số chính sách khác để thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Đồng thời, thông qua việc đánh giá thực trạng về chính sách để phát triển kinh tế biển của Việt Nam thời gian qua, tác giả đã chỉ ra những điểm hạn chế và rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.  

10. Đào tạo nguồn nhân lực xanh ngành logistics Việt Nam

Nguyễn Thị Phương Thùy, Nguyễn Mạnh Hùng, Trần Thị Thu Trang (đồng tác giả)

Trong bối hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành logistics Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì dòng chảy hàng hóa và dịch vụ trên khắp thế giới và đóng góp rất lớn vào GDP của Việt Nam. Tuy nhiên, với sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành đã kéo theo hệ lụy là ảnh hưởng đến môi trường. Chính vì vậy việc giảm thiểu khí thải, ô nhiễm môi trường, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên, năng lượng, sử dụng bao bì thân thiện với môi trường,… đang là xu hướng tất yếu của ngành logistics hiện nay. Một trong những yếu tố giúp ngành logistics đạt được mục tiêu xanh này đó là nhân lực được đào tạo theo hướng “xanh”. Đào tạo nguồn nhân lực xanh ngành logistics là một mảng đào tạo nguồn nhân lực mới, nguồn nhân lực được đào tạo có kiến thức chuyên môn, có nhận thức về môi trường, có năng lực, ý thức bảo vệ môi trường, có kỹ năng xanh và phẩm chất nghề nghiệp. Bài viết đã hệ thống hóa cơ sở lý luận về đào tạo nguồn nhân lực xanh, nêu rõ được thực trạng nguồn nhân lực ngành logistics cũng như kết quả đạt được trong công tác đào tạo nguồn nhân lực xanh ngành logistics. Bên cạnh đó, bài viết cũng chỉ ra một số hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân và đề xuất một số giải nhằm nâng cao công tác đào tạo nguồn nhân lực xanh ngành logistics ở Việt Nam hiện nay.

 

Tập tin đính kèm
Tin liên quan