Là Chủ đề cuộc Hội thảo do Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính và Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tài chính) phối hợp tổ chức tại Thanh Hóa ngày 24/8/2018. Hội thảo do ông Phạm Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và ông Trương Bá Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính đồng chủ trì. Cùng tham dự Hội thảo có đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo các trường đại học thuộc Bộ Tài chính (Học viện Tài chính, Đại học Tài chính Marketing, Đại học Tài chính quản trị kinh doanh, Đại học Tài chính Kế toán); đại diện một số Viện Nghiên cứu; đại học Đại học Kinh tế quốc dân; Đại học Văn hóa thể thao và du lịch; đại diện Bộ Tư pháp; Chi cục Thuế, Kho bạc Nhà nước tỉnh Thanh Hóa và một số đại biểu, chuyên gia kinh tế khác.
Ông Trương Bá Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trương Bá Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính chia sẻ, trong những năm qua vấn đề đổi mới, hoàn thiện công tác quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước. Nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới hệ thống tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã được thể hiện rõ trong các văn kiện, Nghị quyết của Đảng và Chính phủ như: Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006; Nghị định 16/2015/NĐ-CP… và mới đây nhất là Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017.
Ông Tuấn cho biết, việc thực hiện đổi mới cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập trong đó có các trường đại học đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, đáp ứng yêu cầu của người dân, giảm chi, qua đó góp phần từng bước cơ cấu lại ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập nhất là trong lĩnh vực giáo dục đại học vẫn còn nhiều bất cập, không chỉ tiến độ thực hiện chậm, mà các cơ chế chính sách còn chưa đồng bộ, chưa xây dựng được định mức kinh tế kỹ thuật…
Làm rõ hơn về những khó khăn, bất cập nói trên, tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Mai Liên – Phó phòng Đào tạo, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tài chính cho biết, sau hơn 10 năm đưa ra chủ trương xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập, đến nay chưa có cơ sở giáo dục đại học nào bỏ cơ quan chủ quản. Một số trường đại học có tâm lý vẫn muốn thực hiện cơ chế nhà nước bao cấp, mặc dù đã có đủ điều kiện để thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư. Nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa thành lập Hội đồng trường, có nơi đã thành lập Hội đồng trường nhưng vận hành không hiệu quả, không phát huy vị thế, vai trò của mình. Vì thế, việc thực hiện tự chủ chưa thực sự trở thành động lực giúp các cơ sở giáo dục đại học phát huy khả năng chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động…
Ông Phạm Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đồng chủ trì Hội thảo
Nhìn từ góc độ của các trường Đại học, TS. Nguyễn Trọng Nghĩa – Trường Đại học Tài chính Quản trị Kinh doanh chia sẻ khó khăn thực tế trong quá trình thực hiện tự chủ tài chính. Ông Nghĩa cho biết, nguồn tài chính của các trường Đại học bao gồm: Kinh phí ngân sách nhà nước cấp, nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp (phí, lệ phí; thu từ các hoạt động dịch vụ); nguồn khác (nguồn vốn vay, liên doanh, liên kết, viện trợ, tài trợ, tặng). Theo lộ trình, kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho các trường hoạt động sẽ có xu hướng giảm xuống nên các trường buộc phải tích cực khai thác nguồn thu tại chỗ, đặc biệt là nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp để nâng cao mức độ tự chủ. Tuy nhiên, hiện nay mức thu học phí của các trường đều nằm khung học phí do Chính phủ quy định, chỉ tiêu tuyển sinh bị giới hạn bởi cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên của nhà trường. Như vậy, hai yếu tố góp phần quan trọng trong việc tạo nguồn thu (học phí và chỉ tiêu tuyển sinh) đều bị giới hạn, tức là giới hạn mức độ tự chủ của các trường.
TS. Nguyễn Trọng Nghĩa – Trường Đại học Tài chính Quản trị Kinh doanh
Bên cạnh những khó khăn, tồn tại nói trên, Hội thảo cũng đã lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp, kiến nghị để góp phần hiệu quả của quá trình chuyển đổi, đổi mới công tác quản lý các trường đại học công lập sang mô hình quản trị doanh nghiệp.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) phát biểu tham luận tại Hội thảo
Trong các giải pháp được nêu ra, nhiều ý kiến cho rằng, đổi mới tư duy về quản lý giáo dục đại học là việc cần phải làm. Xu hướng tự chủ giáo dục đại học là một tất yếu khách quan. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ chỉ đóng vai trò là cơ quan định hướng các hoạt động theo luật pháp, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học tự chủ hơn trong hoạt động. “Việc cải tổ hoạt động của hội đồng trường là công cụ đầu tiên, quan trọng để chúng ta có mô hình hoạt động như doanh nghiệp”-PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ. Ông Thịnh cũng cho rằng, Hội đồng trường trong thời gian vừa qua chủ yếu mang tính hình thức. Thực tế vai trò vị trí của Hội đồng trường không đúng với nhu cầu cũng như mong muốn của cải cách giáo dục. Giống như mô hình tại các trường tư thục, Hội đồng trường phải như Hội đồng quản trị có quyền quyết định phương hướng hoạt động, đầu tư của trường (cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức của trường Đại học đó). Đồng thời là người đứng ra kiểm tra giám sát Ban Giám hiệu, Bam Giám đốc, kiểm tra giám sát từng thành viên trong Ban Giám đốc, có quyền tuyển dụng, đi thuê hoặc bãi nhiệm, miễn nhiệm Hiệu trưởng, Giám đốc... Ngoài ra, Hội đồng trường phải là người đại diện cho phần vốn của nhà nước, có trách nhiệm với cơ quan nhà nước.
Đồng tình với quan điểm cần có thay đổi về mặt tư duy, cách thức quản lý, phát huy vai trò của Hội đồng trường, ông Nguyễn Ngọc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp cho rằng cần làm rõ nội hàm của mô hình quản trị doanh nghiệp theo hướng gì, cần những yếu tố, điều kiện nào khi tiến hành chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập sang đơn vị tự chủ.
TS. Hoàng Đức Long – Hiệu trưởng trường Tài chính Marketting cho rằng cần xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ trong vấn đề này bởi nếu không sẽ dẫn tới tình trạng “chủ trương thì đúng nhưng cứ làm là vướng”. Các trường đại học rất cần sự đồng bộ của các quy định pháp lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Ông Mai Văn Hấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Kế toán tham luận tại Hội thảo
Theo ông Phạm Xuân Thuỷ, có một số giải pháp mà các trường hoàn toàn có thể làm được ngay được, đó là chuyển từ phục vụ sang dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ do trường cung cấp. Cùng với đó, chuyển đổi từ thực hiện khoán biên chế sang khoán tiền lương để kích thích chất lượng hoạt động của cán bộ, giảng viên. Đây là những việc mà người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hay các trường đại học công lập có thể thực được mà không cần phải xin cơ chế của cấp quản lý.
Đánh giá cao các ý kiến thẳng thắn, đầy trách nhiệm của các đại biểu tại Hội thảo, ông Thủy khẳng định các ý kiến tham luận tại Hội thảo sẽ được Ban Tổ chức tiếp thu đầy đủ, báo cáo Lãnh đạo Bộ Tài chính để có những giải trình, kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có giải pháp phù hợp.
Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính