Cần giải pháp cụ thể để 'thúc' doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực công nghệ
17/11/2019

(TBTCO) - Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam có xuất phát điểm thấp, làm ăn nhỏ lẻ, trình độ khoa học công nghệ lạc hậu, thiếu vốn… đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực thấp. Để thúc đẩy khối DN này phát triển, cần nâng cao năng lực công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực theo hướng hội nhập.

toàn cảnh

Toàn cảnh hội thảo

Đây là ý kiến thảo luận của các chuyên gia tại hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, do Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh phối hợp với Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Học viện Ngoại thương Ấn Độ (Ấn Độ) và Đại học Miskolc (Hungary) tổ chức, sáng 15/11, tại Hưng Yên.

DNNVV Việt Nam còn nhiều hạn chế

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc thuộc Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, mặc dù các DNNVV Việt Nam đã có sự phát triển quan trọng, tuy nhiên vẫn còn có nhiều nhược điểm rất cơ bản, đe dọa sự phát triển của khu vực này trong những năm tới, trong đó chủ yếu là do nội lực của các DNNVV Việt Nam hạn chế.

Hơn nữa, tình trạng tách đôi các DN vốn đã nhỏ thành nhiều DN nhỏ hơn làm quá trình tích tụ từ các DN tiếp tục bị chậm lại. Hậu quả là các DNNVV Việt Nam “chậm lớn” hơn so với khả năng và nhu cầu nâng cao năng lực của các DN. Điều này gây khó khăn cho việc đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh của các DNNVV Việt Nam.

Cùng với đó, mức độ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như tỷ lệ đóng góp vào chuỗi giá trị toàn cầu thấp và chậm được cải thiện. Nhìn tổng thể, các DN Việt Nam hiện nằm ở khoảng giữa của chuỗi giá trị toàn cầu nói chung, tức là đảm nhận các giai đoạn gia công chế biến là chính. Đặc điểm của các giai đoạn này là thâm dụng lao động và giá trị gia tăng thấp, hoạt động theo mô hình “nhập khẩu để gia công rồi xuất khẩu”, nhưng không chủ động được nguyên liệu, thiết kế mà cũng không trực tiếp tiếp cận được với người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ.


PGS.TS Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội thảo

Trong số các DN tư nhân Việt Nam, 64% cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho các DN trong nước, nhưng chỉ có 15% bán hàng hoá, dịch vụ cho DN nước ngoài tại Việt Nam; 8,4% xuất khẩu sản phẩm trực tiếp và 7,4% xuất khẩu gián tiếp thông qua DN mua hàng bên thứ 3.Ví như, năm 2018, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam chỉ đạt khoảng 33%; khu vực FDI phải nhập tới 47,1% đầu vào từ công ty mẹ; chỉ có khoảng 21% các DNNVV có liên kết sản xuất với chuỗi cung ứng nước ngoài.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Phúc, trình độ công nghệ thấp, việc đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ diễn ra một cách chậm chạp và hiệu quả ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ thấp hơn mong đợi.

Theo số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ, tới năm 2019, cả nước có 386 DN được cấp giấy chứng nhận là DN khoa học và công nghệ, 43 tổ chức được cấp giấy chứng nhận hoạt động công nghệ cao và hơn 2.000 doanh nghiệp đạt điều kiện doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

“Đồng thời, trình độ chuyên môn hóa của các DN thấp. Sự hợp tác giữa các DN còn hạn chế và tính khép kín trong sản xuất kinh doanh khiến các DN riêng lẻ khó có thể tận dụng nguồn lực từ ngoài và tận dụng lợi thế từ việc hợp lý hóa tổ chức sản xuất để nhanh chóng nâng cao năng lực của mình” - PGS.TS Nguyễn Văn Phúc cho hay.

Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNVV

Để có thể đẩy nhanh quá trình nâng cao năng lực công nghệ nhằm cải thiện năng lực và vị thế cạnh tranh của mình trên thị trường, theo PGS.TS Nguyễn Văn Phúc, các DNNVV Việt Nam cần nâng cao nhận thức về khả năng ứng dụng tiến bộ công nghệ trong việc giải quyết các khó khăn, thách thức của DN và lợi ích từ việc ứng dụng tiến bộ công nghệ trong sản xuất kinh doanh.

Cần nhận dạng rõ bối cảnh, điều kiện kinh doanh của DN, từ đó định vị rõ được vị thế của DN trong chuỗi giá trị và xây dựng, lựa chọn được định hướng, mục tiêu và chiến lược phát triển của DN. Ngoài ra, các DN cần đẩy mạnh chuyên môn hóa, tích cực tham gia các chuỗi gia công, chế biến toàn cầu.

Các chuyên gia chụp ảnh lưu niệm

Còn theo ThS. Kiều Thị Tuấn, đến từ Học Viện Ngân Hàng, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các DN nói chung và DNNVV nói riêng, về phía DN, bản thân các chủ DN cần chủ động, tích cực trong việc học tập nâng cao trình độ thông qua các khóa học, các buổi tập huấn hay các hiệp hội của các DN để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau; thường xuyên tìm hiểu những cơ chế, chính sách của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các tổ chức kinh tế thế giới mà Việt Nam tham gia.Bên cạnh nỗ lực của các DN, Nhà nước cần có những định hướng và biện pháp thiết thực để thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật - công nghệ và nâng cao năng lực công nghệ của các DN, đặc biệt là các DNNVV.

Đồng thời, DN cần có các hoạt động để tiếp nhận và sử dụng nguồn nhân lực trong DN hiệu quả. Bên cạnh đó, một biện pháp quan trọng khác để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực một cách có hệ thống, đồng đều và thống nhất đó là hoàn thiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các DNNVV trong việc đào tạo nhân sự.

Chính phủ cần hoàn thiện các chính sách hỗ trợ cho chủ các DNNVV, coi đây là một nội dung bắt buộc, muốn đủ điều kiện thành lập DN và điều hành DN thì phải trải qua các khóa đào tạo này./.

Nguồn : http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2019-11-15/can-giai-phap-cu-the-de-thuc-doanh-nghiep-viet-nang-cao-nang-luc-cong-nghe-79011.aspx

Tin liên quan